Tổng thống Đức và Phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam

Sáng 23/1, Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. 

Đón đoàn ở sân bay quốc tế Nội Bài có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh; Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao Nguyễn Việt Dũng...

Tháp tùng Tổng thống Đức và Phu nhân có bà Dörte Dinger, Quốc vụ khanh, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống; ông Hubertus Heil, Nghị sỹ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội; ông Tobias Lindner, Nghị sỹ Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, cùng nhiều đại diện bộ, ngành, doanh nghiệp Đức.

Trưa cùng ngày, đoàn tham quan Văn Miếu - Quốc Tử giám. 

Buổi chiều, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, sau đó có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.  

Ngày 24/1, sau khi hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Chính phủ, Tổng thống Đức và phu nhân sẽ di chuyển vào TPHCM, tiếp tục một số hoạt động tại đây. 

Tổng thống Đức và Phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam - 1

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải đón Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (Ảnh: TTXVN).

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10/2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không.

Về thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của ta sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Hiện, trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia về thiết bị, y tế, khí hóa lỏng phục vụ luyện kim, ô tô, tư vấn, thiết kế, chế tạo máy, ngân hàng, bảo hiểm...

Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU, thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 30,95 triệu USD. 

Trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo, ngày 13/11/2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.  

Đức cũng là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, quốc gia này đã cung cấp trên 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) và hợp tác tài chính bao gồm 40% viện trợ không hoàn lại và khoảng 60% tín dụng ưu đãi. 

Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là "Đối tác toàn cầu" trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức. Tại kỳ đàm phán cấp Chính phủ về Hợp tác phát triển Việt Nam - Đức ngày 20-23/7/2021, Chính phủ Đức tiếp tục cam kết vốn ODA cho Việt Nam trị giá trên 143,5 triệu Euro trong giai đoạn 2022-2023.

Hàng năm, Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. 

Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có gần 200.000 người, sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ.

Theo dantri.com.vn

0842 886 161